Thông tin Công ty Đức Khải tuyên bố đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư 100 tàu đánh cá với công suất 500-1.500 mã lực và 2 trực thăng với vốn hàng ngàn tỷ đồng để cùng với ngư dân bám biển, đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng DN này lợi dụng lúc “dầu sôi lửa bỏng” để PR, số khác lại dành những lời tán dương khen ngợi ông chủ DN quá bản lĩnh, táo bạo. Trao đổi với ĐTTC, ông Phạm Ngọc Lâm (ảnh), Chủ tịch Công ty Đức Khải, cho biết: Trong thời buổi kinh tế khó khăn, kế hoạch đầu tư 100 tàu đánh cá của Đức Khải là hoàn toàn nghiêm túc, không có chuyện vẽ ra cho vui.
Phóng viên: - Ông nghĩ sao khi hiện nay chưa DN nào đầu tư đội tàu lớn để khai thác nguồn lợi biển một cách có tổ chức, quy mô lớn?
-Ông Phạm Ngọc Lâm: - Đề án đầu tư tàu cá đã được công ty xây dựng chỉnh chu và được thông qua theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông của Công ty Đức Khải. Tính khả thi của đề án cũng được các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước khẳng định và đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế biển.
Theo đó, công ty sẽ mua 100 tàu cũ của Hàn Quốc, Nhật Bản về tu sửa để sử dụng. Số tàu này sản xuất bằng vật liệu mới như nhôm, composite sợi tổng hợp, sắt, thép. Tất cả tàu đều qua sử dụng từ 10-12 năm, chất lượng tốt và còn hạn sử dụng trên 30 năm. Đội tàu nhập ngoại này được trang bị đầy đủ thiết bị ngư cụ với công nghệ hiện đại, có định vị, máy tầm ngư, hệ thống lạnh và khoang bảo quản đạt chuẩn, có hệ thống thông tin liên lạc và kiểm soát bằng internet.
Đối với trực thăng, sẽ đầu tư loại đã qua sử dụng nhưng chất lượng đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng trong công tác dịch vụ hậu cần, cứu hộ, cứu nạn và các trường hợp khẩn cấp. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Công ty sẽ mua 2 ụ nổi sức chứa 5.000 tấn đặt tại ngư trường.
Nhưng Đức Khải không phải là DN có kinh nghiệm lĩnh vực này?
- So với tàu đánh bắt cá truyền thống (gỗ, sắt, thép), hiệu quả kinh tế của đội tàu mới này được đánh giá là vượt trội, nhờ được trang bị những ngư cụ đánh bắt hiện đại. Dự kiến trong vòng 6 năm, công ty sẽ thu hồi vốn. Thu nhập của ngư dân cũng sẽ tăng lên nhờ giảm bớt số lượng lao động trên tàu. Từ năm thứ 6 trở đi, thuyền viên được mua cổ phần của chính chiếc tàu họ tham gia đánh bắt.
Hiện tại, các chuyên gia của Nhật Bản, Hàn Quốc đã sang Việt Nam hướng dẫn cho Đức Khải mô hình tổ chức đánh bắt theo công nghệ mới, cũng như kỹ thuật sơ chế, bảo quản. Để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, chủ trương nhắm đến của công ty là xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sau khi sơ chế tại các trạm hậu cần trên biển, không cần đưa về đất liền nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí. Về thị trường, các đối tác (bán tàu), bạn hàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản của Đức Khải cũng cam kết bao tiêu sản phẩm, số lượng không giới hạn.
- Nhưng chiếu theo quy định hiện hành, đội tàu trên chưa đủ điều kiện thông quan vì tàu đã qua sử dụng từ 10-12 năm?
- Chủ trương của Nhà nước hiện nay là khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép bám biển. Đối với tàu nhập khẩu, các yếu tố chủng loại, vật liệu sản xuất cũng tập trung vào các loại tàu gỗ, sắt, thép, đặc biệt là nhập tàu qua sử dụng không quá 8 năm kể từ ngày sản xuất.
Do vậy hiện nay Đức Khải đang nỗ lực xin cơ chế để vượt qua rào cản nói trên. Thực tiễn nghiên cứu và phân tích về sản xuất, sử dụng tàu chuyên dụng đánh bắt, khai thác có công suất 500-1.500 mã lực của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Australia, cho thấy tàu bằng vật liệu sắt có thể sử dụng từ 20-25 năm, trong khi tàu bằng vật liệu nhôm, composite tổng hợp và sợi thủy tinh là loại vật liệu nhẹ, không gỉ nhưng vẫn đảm bảo độ cứng, có thể sử dụng được 40-50 năm. Vì vậy đội tàu này vừa tiết kiệm được nhiên liệu nhưng vẫn đảm bảo được chức năng chuyên dụng.
- Nhưng nếu đề án được thông qua, đội tàu đi vào hoạt động công ty sẽ đối mặt với 2 rủi ro lớn. Một là, ngư dân, thuyền viên vẫn chưa quen với hình thức hành nghề, làm việc có tổ chức, dẫn đến lực lượng lao động không ổn định. Hai là với hình thức đánh bắt truyền thống, thói quen của ngư dân, thuyền viên là mỗi khi trúng lớn, họ sẽ quay về đất liền nghỉ dưỡng vài tháng liền?
- Các rủi ro trên là đáng quan ngại nhưng công ty đã lên giải pháp ứng phó. Trước hết trường hợp có đâm va, ngư dân sẽ có trực thăng ứng cứu kịp thời, tổn thất tàu đã có bảo hiểm. Đối với người lao động, muốn tuyên truyền, thu hút và thay đổi thói quen của họ không còn cách nào khác là tăng lợi ích, thu nhập ổn định.
Cụ thể, ngư dân, thuyền viên tham gia sẽ được phân chia lợi ích (sau khi trừ chi phí) theo tỷ lệ ngư dân 65%, công ty chỉ có 34% và 1% phục vụ cơ quan kiểm ngư. Các thuyền viên, ngư dân nếu có thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/tháng thì phần thu nhập cao hơn sẽ được thực hiện theo nguyên tắc trích từ 30-50% để dự phòng trong các trường hợp xảy ra biển động không có thu nhập hoặc những lúc gia đình khó khăn và đặc biệt là tích trữ để thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp cổ đông trong công ty để làm chủ tàu như mô hình hợp tác xã.
Nếu Chính phủ cho thực hiện thí điểm đầu tư đội tàu theo đề xuất sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực, đồng thời là tiền đề cho việc kêu gọi và thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Với ý nghĩa như vậy, Đức Khải đang kiến nghị cho sử dụng vốn vay ưu đãi để thực hiện dự án.
Cụ thể, cho phép nhập tàu đánh bắt thủy - hải sản (nhôm, composite tổng hợp và sợi thủy tinh hoặc sắt, thép) với thuế nhập khẩu và thuế VAT bằng 0%. Về lãi suất, công ty đang đề nghị hỗ trợ giảm xuống 1%/năm kể từ năm thứ 2 đến năm 11 (ân hạn 1 năm không tính lãi suất) so với lãi suất hiện hành đang áp dụng mức 3%/năm.
- Xin cảm ơn ông.
theo Saigondautu.com
TOTICO
Phân phối & cung cấp Vật liệu composite - Nhựa compostie TOÀN QUỐC từ 2005
nhựa composite, vật liệu composite, bồn composite, composite polymer, nhựa polyester, bọc phủ composite
nhựa composite, vật liệu composite, bồn composite, composite polymer, nhựa polyester, bọc phủ composite